Công nghệ thông tin Việt tăng trưởng gần 30%/năm
Ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp phần cứng điện tử, công nghiệp phần mềm và nội dung số đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân gần 30%/năm. Một số khu công nghiệp tập trung của ngành đã được hình thành, phát triển.
Trong hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin (CNTT) 2006, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: qua hơn 10 năm thực hiện, ngành CNTT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, thực sự trở thành một ngành hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, hệ thống tổ chức quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT ở các cấp trên toàn quốc đã từng bước được xây dựng và kiện toàn tại trung ương và địa phương. Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng hoàn thiện. Nhiều nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành. Hạ tầng CNTT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và xã hội.
Ứng dụng CNTT đã được đẩy mạnh gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, từng bước hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Theo báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp thứ 89/193 nước, tăng 10 bậc so với năm 2014.
Bên cạnh đó, công nghiệp CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần cứng điện tử, công nghiệp phần mềm và nội dung số duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân gần 30%/năm. Một số khu công nghiệp CNTT tập trung đã được hình thành, phát triển. Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 67,7 tỉ USD.
Nhân lực tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng
Về nguồn nhân lực cho ngành CNTT, Thứ trưởng Hưng cũng cho biết những năm qua, nguồn nhân lực CNTT cũng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Sau hơn 10 năm, việc phổ cập CNTT trong xã hội đã có nhiều thay đổi ấn tượng. Đến nay tỷ lệ người dân Việt Nam được phổ cập internet đã đạt hơn 52%, vượt mức bình quân của thế giới. CNTT được phổ cập ở hầu hết các trường THPT và gần 80% các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Nhân lực làm việc trong ngành CNTT hướng tới cột mốc 1 triệu lao động.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định giúp Việt Nam nhanh chóng tận dụng và nắm bắt được cơ hội phát triển ngành CNTT trong xu thế mới”.
Theo Bộ trưởng Tuấn, một nguồn lực các nhà khởi nghiệp đông đảo đã và đang phát triển mạnh mẽ với nhiều kỳ vọng cũng sẽ là mục tiêu được ưu tiên trong công tác đầu tư: “Tôi tin các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ TT-TT thời gian tới sẽ có phát triển vượt bậc về chất và lượng cả ở trong và ngoài nước”.
Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Tuấn, đề nghị các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp CNTT và các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu phối hợp với Bộ TT-TT tập trung hơn nữa; đề xuất phương thức mới phát triển nguồn nhân lực với các kỹ năng và tư duy sáng tạo linh hoạt phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số, tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
0 Bình luận